Tầm ẩn giả bất ngộ Giả Đảo

Nguyên tác và bản dịch

Nguyên tác:松下問童子言師採藥去只在此山中雲深不知處Phiên âm:Tùng hạ vấn đồng tử,Ngôn sư thái dược khứ.Chỉ tại thử sơn trung,Vân thâm bất tri xứ.Dịch nghĩa:Dưới cây tùng hỏi thăm tiểu đồng,Nói rằng thầy đã đi hái thuốc.Chỉ ở trong núi này thôi,Nhưng mây dày nên chẳng biết chỗ nào.Tản Đà dịch thơ:Gốc thông hỏi chú học trò,Rằng: "Thầy hái thuốc lò mò đi xa.Ở trong núi ấy đây mà,Mây che mù mịt biết là nơi nao?"[9]

Trích nhận xét

Với lối viết nhanh gọn, bài thơ đã dựng lên một cuộc đối thoại. Và bài thơ cũng thật đặc biệt ở chỗ, theo GS. Nguyễn Khắc Phi, thì:

  • Đa phần bài thơ chỉ ghi nội dung lời đáp. Đây là nghệ thuật "chừa chỗ trống" thường thấy trong thơ ca cổ điển và cả trong quốc họa Trung Hoa. Như bài Thạch Hào lại của Đỗ Phủ, người đọc cũng chỉ nghe lời đáp của bà lão mà tuyệt không thấy lời hỏi của tên lại.
  • Người đọc tưởng chú bé đáp “một lèo”, song ngẫm kĩ sẽ thấy có một sự lỏng lẻo, chuệch choạc trong lời đáp ấy: bốn chữ ở câu 2 nghe như đột ngột và bốn chữ đó có thể đủ kết thúc cho việc trả lời. Câu 3 đang mang ngữ khí khẳng định bỗng nhiên chuyển sang ngữ khí phủ định ở câu 4.
  • Chữ “chỉ” ở vị trí “đắc địa” vì tả được cái thần của cuộc đối thoại, vừa phản ảnh được diễn biến tâm tình của người hỏi ẩn sau mỗi lời đáp, từ háo hức (câu 1), thất vọng (câu 2) đến hi vọng (câu 3) rồi lại thẫn thờ buồn tiếc (câu 4).
  • Ngoài ra, qua cuộc đối thoại, còn cho thấy thấp thoáng chân dung của người vắng mặt. Vị ẩn sĩ này đi hái thuốc để tế nhân độ thế hay để mưu sinh thì cũng là nghề cao đẹp, thể hiện một phẩm chất thanh cao. Hình ảnh cây tùng, đám mây không phải xuất hiện ngẫu nhiên: Tán thông xanh đứng thẳng kia giống như tiết tháo của ẩn sĩ; đám mây trắng cuồn cuộn như thư nhàn kia giống như tính tình của ẩn sĩ. Qua vấn đáp mà còn nhân đó đưa được cả cảnh vật và hoàn cảnh vào, cảnh vật lại làm cho nhân vật nổi bật, quả là ý hay tứ lạ.[10]

Thông tin thêm

Nhiều tuyển tập thơ Đường ở Trung Quốc và ở một số nước khác, trong đó có Việt Nam đều ghi tên bài thơ như trên và cho rằng tác giả của là Giả Đảo. Tuy nhiên, có một số nhà nghiên cứu, căn cứ vào các văn bản có từ đời Nguyên trở về trước, đặc biệt là tập 15 ở cuốn Đường Âm của Dương Sĩ Hoàng và tập 228 ở cuốn Văn Uyển Anh Hoa ở đời Tống, đều khẳng định rằng tên bài thơ vốn là Phỏng Dương tôn sư và tác giả của nó là Tôn Cách, người Chiết Giang, không rõ năm sinh và mất, đậu tiến sĩ, từng làm Giám sát ngự sử đời Đường Hiến Tông (ở ngôi: 806-820).

Gần đây, trong Đường thi đại từ điển [11] do Chu Huân Sơ chủ biên cũng đã nêu lại vấn đề này.

Việt Nam, GS. Nguyễn Khắc Phi cũng đã tỏ ra đôi chút băn khoăn khi viết:

Giả Đảo là nhà thơ được nhiều người biết tiếng nhưng không phải là nhà thơ lớn, Ông chỉ nổi tiếng với phép “thôi xao”, chăm chút gọt giũa chữ nghĩa chi li. Người ta thường chê ông “ít tình, chỉ có câu hay mà chẳng có bài hay”. Nếu quả bài là của Giả Đảo thì đây là một biệt lệ vì bài thơ luôn được xếp vào hàng “danh thiên”, luôn có mặt trong các tuyển tập thơ Đường. Nó cũng là một trong 61 bài cổ thi được Bộ Giáo dục Trung Quốc chọn cho học sinh tiểu học đọc và học...[12]